“Tết là thời gian để trở về, để sum họp với gia đình, là thời gian chúng ta quây quần quanh nồi bánh chưng nói chuyện tới sáng, là thời gian để chia sẻ buồn vui trong năm qua và là thời gian để yêu thương. Hãy trở về khi bạn còn có thể. Chúng ta còn gặp ba mẹ mình bao nhiêu lần?”.
Cái nhịp sống vốn dĩ vội vã của phố thị được dịp ồn ào, náo nhiệt hơn bởi cái không khí tất bật của những ngày cuối năm. Người người chạy đua với thời gian, mong hoàn thành nốt những dở dang còn tồn tại trong năm cũ để đón mừng một năm mới hanh thông và nhiều may mắn.
Tết trong văn hóa của người Việt Nam không chỉ đơn giản là dịp để người ta khoác lên mình những bộ quần áo mới du xuân, mà đó còn là dịp để những người con phương xa quay về, đoàn tụ bên gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm những ngày đầu năm, kể nhau nghe những vui buồn về một năm cũ vừa sang.
Tuy nhiên, có những thời điểm, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta không về nhà dịp Tết. Những ngày non trẻ, ham vui, ta coi đó là một lẽ thường, chẳng mảy may bận tâm. Vừa mới đây, trong một hội nhóm kín, một thành viên đã được dịp chia sẻ những tâm tư của bản thân những ngày giáp Tết. Câu chuyện được thành viên này gọi tên “Chúng ta còn gặp ba mẹ được bao nhiêu lần?”.
(Ảnh: Trần Tuấn Việt)
“Vậy là mình đã vào Sài Gòn được 12 năm. Không biết cảm giác của các bạn khi mới vào đại học như thế nào, còn mình thì vui vô cùng. Cảm giác được sống tự lập, không còn sự quản lý của ba mẹ, cảm giác thích ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ mà chẳng sợ bị mắng. Tiền mỗi tháng ba mẹ gửi vào, mình được quyền chi tiêu theo cách của mình mà không cần xin phép. Tóm lại, mình thấy đi học xa là thiên đường.
Năm nhất. Lần đầu được sống trong sự tự do, mình thích đến độ quên mất luôn ba mẹ ở nhà. Ngày ngày, ba mẹ gọi điện hỏi thăm thì mình cứ ậm ừ cho qua chuyện, rồi tắt máy và lao vào những cuộc vui tiếp theo. Cận Tết, chỉ đến khi bạn bè về hết thì mình mới xách balo về nhà và mong lắm ngày vào học lại. Ăn Tết qua loa vài ngày rồi viện cớ vào học sớm để hẹn hò với bạn bè. Mình không để ý lắm nhưng hình như ba mẹ mình thoáng buồn.
Năm hai. Dịp hè về, mình đặc biệt thích thú với phong trào mùa hè xanh. Vậy là bỏ cả dịp hè để đi mùa hè xanh cùng bạn bè. Mẹ mong chờ từng ngày con về nhà. Con vô tư gọi báo mẹ năm nay con không về hè, con đi công tác xã hội mùa hè xanh để giúp đỡ mọi người, mẹ không nói gì, chỉ nghẹn ngào.
Năm ba. Mình có nhiều bạn hơn. Bạn bè rủ nhau Tết ở lại làm thêm, mình đồng ý ngay tắp lự. Gọi điện về cho mẹ khoe, mẹ ậm ừ rồi tắt máy, hình như mẹ đã khóc. Mình không suy nghĩ nhiều và cho đó là sự trưởng thành, sự tự lập.
Năm bốn, năm năm. Hình như khoảng cách giữa mình và ba mẹ ngày càng xa hơn. Những cuộc gọi điện dường như ít hơn. Mình không còn nhớ là tóc ba mẹ đã bạc thêm bao nhiêu, không biết là chân ba có còn đau khớp khi trở trời, không biết mẹ còn ho mỗi khi trời trở lạnh.
Ra trường, không còn những cuộc vui sinh viên, không còn những ngày làm việc dịp Tết, không còn đi mùa hè xanh. Mình trở về nhà sau khi được công ty cho nghỉ Tết. Về nhà lúc sáng sớm, nhưng vừa đến nhà đã thấy ba mẹ ngồi chờ từ bao giờ. Mắt ba mẹ còn đỏ hoe, hình như đêm qua thức trắng. Mẹ lật đật chạy ra ôm chầm mình, nức nở. Ba quay vội người đi để lau những giọt nước mắt yếu đuối.
Mình nhận ra, ba mẹ ốm hơn, tóc bạc nhiều hơn, nếp nhăn hằn rõ, mình nhận ra mình đã vuột mất quá nhiều thời gian cho gia đình. Và cuối cùng, mình nhận ra, mình luôn có một nơi để trở về.
Tết – là thời gian để trở về, để sum họp với gia đình, là thời gian chúng ta quây quần quanh nồi bánh chưng nói chuyện tới sáng, là thời gian để chia sẻ buồn vui trong năm qua và là thời gian để yêu thương. Hãy trở về khi bạn còn có thể.
Chúng ta còn gặp ba mẹ mình bao nhiêu lần?”.
Theo Lou
Helino